- Tìm hiểu về viêm kết mạc
Viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng), kết mạc mi. Bệnh rất thường gặp (cấp tính chiếm tần suất mắc cao hơn mạn tính), điều trị dễ dàng và có thể tránh được.
Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi: trẻ em, người trưởng thành, người già. Viêm kết mạc dễ lây lan và có thể lan rộng thành dịch vào mùa xuân-hè.
- Nguyên nhân gây ra viêm kết mạc
- Virus: là nguyên gây bệnh hay gặp nhất, trong đó Adeno virus chiếm 80% các trường hợp viêm cấp. Bệnh rất dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân; ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm. Nhưng thường tự khỏi trong vòng ngày mà không cần điều trị.
- Vi khuẩn: gây viêm kết mạc thường gặp là Staphylococus, Hemophilus Influenza …đứng thứ 2 sau virus, có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị. Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hay vật dụng dính dịch tiết chạm vào mắt.
- Dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc, hóa chất…) khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, tùy cơ địa mỗi người, thường xảy ra theo mùa, có thể kéo dài hay tái phát.
- Cách chăm sóc và điều trị viêm kết mạc
Việc điều trị viêm kêt tùy vào tác nhân gây viêm:
- Viêm kết mạc do virus: bệnh thường tự giới hạn trong vài ngày mà không cần điều trị. Bệnh nhân có thể chườm lạnh, rửa mắt bằng nước lạnh và sạch để giảm bớt triệu chứng khó chịu. Có thể nhỏ nước mắt nhân tạo kèm theo cộng với kháng sinh phòng bội nhiễm.
- Viêm kết mạc do vi khuẩn: sử dụng kháng sinh phổ rộng nhỏ và/ hoặc mỡ tra mắt theo toa của bác sĩ
- Viêm kết mạc do dị ứng: tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, sử dụng kháng viêm – kháng dị ứng, ổn định dưỡng bào nhỏ tại chỗ hay uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nhỏ nước mắt nhân tạo rửa trôi và làm dễ chịu cảm giác ngứa.
- Các biện pháp phòng bệnh viêm kết mạc
- Sử dụng khăn, vật dụng cá nhân riêng trong gia đình và nơi làm việc
- Không dụi mắt, che miệng- mũi khi hắt hơi, chảy mũi.
- Rửa tay thường xuyên đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh, ở nơi công cộng (trường học, bệnh viện, cơ quan có người bị viêm kết mạc)
- Sử dụng dung dịch vệ sinh tay
- Nếu bạn sử dụng kính tiếp xúc cần được bác sĩ tư vấn và khám khi có triệu chứng cộm xốn chảy nước mắt. Ngâm rửa vệ sinh contact lens hằng ngày
- Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài, trong môi trường làm việc ô nhiễm khói bụi, mang kính khi bơi.
- Tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, A, E…