Đây là triệu chứng rất phổ biến và có rất nhiều nguyên nhân gây ra đỏ mắt. Có thể là chỉ đơn thuần là triệu chứng của bệnh lành tính như viêm kết mạc nhưng cũng có thể là triệu chứng báo động của một bệnh lý nguy hiểm toàn thân như dò động mạch cảnh – xoang hang. Để xác định mức độ nguy hiểm của bệnh, thăm khám là động tác bắt buộc.
Mức độ nguy hiểm của đỏ mắt được phân chia tùy thuộc vào sự xuất hiện của 2 triệu chứng đi kèm: đau mắt và nhìn mờ. Các nguyên nhân thường gặp, bao gồm:
- Đỏ mắt, nhưng không đau và không giảm thị lực:
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ): có 2 nhóm:
- Viêm kết mạc do virus, vi khuẩn: đỏ mắt, nhiều chất tiết, ghèn, cộm, xốn, phản ứng nang trên kết mạc mi, khả năng lây nhiễm cao, từ mắt này sang mắt kia, từ người này sang người khác.
- Viêm kết mạc (đau mắt đỏ): có 2 nhóm:
- Viêm kết mạc do dị ứng: ngứa, nhiều nhú trên kết mạc mi. Nếu không điều trị có thể gây biến chứng lên giác mạc sau này.
Biến chứng bệnh lý giác mạc chóp:
- Xuất huyết dưới kết mạc: Mạch máu kết mạc rất mỏng manh, thường dễ vỡ khi có tăng áp lực lên thành mạch. Những tác động có thể đến từ chấn thương, bệnh lý nền sẵn có như tăng huyết áp, đang dùng chống đông máu, hoặc do ho, gồng người đột ngột cũng có thể gây xuất huyết. Tình trạng này không nguy hiểm nhưng cần thăm khám để kiểm tra thêm những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn, có kèm nguy cơ xuất huyết nội nhãn khác trên nền bệnh lý của bệnh nhân hay không. Trong trường hợp chấn thương, bắt buộc phải khám để đánh giá nguy cơ vỡ nhãn cầu dưới chỗ xuất huyết.
- Mộng thịt: Tăng sinh xơ – mạch lành tính dạng rẻ quạt. Bệnh cần phẫu thuật mới điều trị được, tuy nhiên, thời điểm và phương pháp phẫu thuật phải được quyết định bởi bác sĩ mắt để hạn chế khả năng tái phát.
- Khô mắt: triệu chứng có thể như viêm kết mạc ở trên nhưng kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân. Nguyên nhân gây khô mắt rất đa dạng, từ viêm bờ mi đến sa kết mạc, giảm tiết, ảnh hưởng thuốc hoặc bệnh lý toàn thân. Cần khám bác sĩ chuyên gia để xác định loại khô mắt và có hướng điều trị đúng.
- Đỏ và đau mắt, nhưng không giảm thị lực: Đau là dấu hiệu bắt buộc phải đến khám bác sĩ mắt
- Thường là viêm sâu dưới lớp kết mạc như: Viêm thượng củng mạc, viêm củng mạc. Nếu diễn tiến nặng, có thể gây mất thị lực
- Đỏ và đau mắt kèm giảm thị lực: bắt buộc phải đến bác sĩ mắt khám
- Viêm củng mạc hoại tử: giai đoạn nặng của nhóm trên, gây giảm thị lực
- Viêm loét giác mạc: có thể bắt đầu từ dị vật giác mạc, rất đau nhức, tùy vị trí tổn thương có thể ảnh hưởng thị lực ít hay nhiều nhưng đây là bệnh bắt buộc phải đi khám. Các tác nhân gây bệnh: virus, vi khuẩn, nấm đều cần những loại thuốc điều trị chuyên biệt. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc vì có thể làm bệnh nặng hơn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ mất thị lực vĩnh viễn.
- Viêm màng bồ đào: thường đau nhức, đỏ mắt, sợ ánh sáng. Rất nguy hiểm. Hướng điều trị phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ chuyên gia.
- Glaucoma góc đóng (Cườm nước hay Thiên đầu thống): bệnh nhân sẽ đau nhức mắt, nhìn mờ như sương mù, đỏ mắt, nhìn đèn thấy quầng xanh – đỏ, có thể kèm đau đầu và nôn ói. Bệnh lý rất nguy hiểm, có thể gây mất thị lực không hồi phục nếu không điều trị kịp thời.
Lời khuyên của bác sĩ
Đỏ mắt là triệu chứng thường gặp, dễ chẩn đoán nhầm các bệnh với nhau, đặc biệt trong đó có các bệnh nguy hiểm như viêm màng bồ đào, glaucoma, có thể dẫn đến mù lòa. Việc tự ý dùng các thuốc nhỏ có khả năng dẫn đến glaucoma (cườm nước), làm trầm trọng hơn diễn tiến bệnh (dị vật giác mạc không điều trị thích hợp có thể gây viêm loét giác mạc) và gây mất thị lực không hồi phục. Cần đến đúng bác sĩ chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị.